Sau khi mua mảnh đất bên cạnh , cùng diện tích: 5×24=120m2 với nhà cũ. Khách hàng muốn cải tạo thành một không gian sống cho 5 thành viên : vợ chồng và 3 người con nhỏ.
Khách hàng luôn mong muốn giữ một nếp sống gia đình cổ truyền, quây quần bên nhau ,dành thời gian cho nhau tối đa có thể và hơn nữa, sâu bên trong tâm hồn chúng tôi nhận ra dù sống và làm việc đã lâu tại thành phố Đà Nẵng- một thành phố trẻ, năng động và đang phát triển vượt bậc – họ vẫn luôn luôn mang theo hình bóng quê nhà : Huế – thủ đô việt nam từ thế kỷ 19 đến nửa đầu thế kỉ 20. Nơi có quần thể di tích cố đô được unesco công nhận di sản văn hóa thế giới(1993).
Ý tưởng kiến trúc là tạo dựng một ngôi nhà với hình ảnh,không gian , vật liệu, không khí .. mang màu sắc xưa cũ , “nhuốm” thời gian :
…….Ta lặng dâng nàng
Trời mây phảng phất nhuốm thời gian
Màu thời gian không xanh
Màu thời gian tím ngát
Hương thời gian không nồng
Hương thời gian thanh thanh……..
– Màu thời gian – Đoàn Phú Thứ
Điều này được chúng tôi nhìn nhận như một thử nghiệm về sự chuyển tiếp giữa quá khứ và hiện tại, giữa sự gìn giữ những ký ức xưa cũ trong tâm hồn với tốc độ phát triển của đời sống hiện tại , giữa nơi chốn trong tâm tưởng và nơi chốn của thực tại
Công trình hình thành dựa trên 2 định hướng :
1- Khu đất mới sẽ được dùng làm khu vườn -1 khoảng trống hiếm hoi của đô thị- với hướng chính là hướng tây và phía sau hướng đông (sát công trình hàng xóm thấp tầng) đây là điều kiện lý tưởng của một khu vườn nhiệt đới khi nhận trọn vẹn bức xạ mặt trời trong năm
2- thay đổi công năng của công trình hiện trạng để các không gian chức năng hướng về ngôi vườn hướng nam – nhằm khai thác triệt để hướng nam : hướng tối ưu về mặt khí hậu ở Việt Nam nói chung và thành phố Đà Nẵng nói riêng
Trên nền tảng hệ khung kết cấu bê tông , cao độ nền , sàn, mái , các kích thước cố định của công trình hiện trạng chúng tôi tạo nên cấu trúc gần đối xứng hình chử T với trung tâm là không gian thông tầng tại vị trí phòng ăn. giữ vai trò liên kết không gian cũ (cải tạo hiện trạng) và phần xây mới có kích thước khá nhỏ so với khu đất mới: 5×3,7m=18,5 m2 với chức năng phòng ngủ ở tầng 2 và bỏ trống tầng 1- là sự phát triển phòng ăn đến không gian “nhàn rỗi” – nơi nhìn hồ cá và khu vườn. điều này cũng giúp cho việc thông gió mát vào mùa hè từ hướng đông và đông nam xuyên suốt toàn công trình
phòng ngủ ở tầng một –nơi tiếp xúc trực tiếp với khu vườn cả nhà sẽ cùng ngủ tại đây khi bà nội từ Huế vào thăm ,bình thường- cuối tuần- cả nhà cũng cùng ngủ tại đây
Hương là tên của người vợ cũng là đặc điểm của khu vườn. tất cả các loại cây trồng trong khu vườn đều là cây có hương thơm khi ra hoa :
1-các cây bụi : nguyệt quế, nhài ta , linh sam, liễu hồng , bạch thiên hương, cây mộc Huế ….
2-Các loại cây ăn quả : thanh trà , bưởi , cam hoàng diệu, … được thu mua tại làng Thủy Biều –tp Huế -nơi có dự án mở đường qua các vườn trồng cây cần phải di dời . nền cỏ là giải pháp giúp phủ xanh bề mặt và rút nước tự nhiên
Cùng với thủ pháp đặc trưng trong bố cục kiến trúc truyền thống :
– sự đối xứng trục
– các hoạt động của con người đặt vào trung tâm của không gian nhằm hướng tầm nhìn vào các vị trí có chủ ý
– các khoảng không gian đệm
Những lựa chọn vật liệu : nền : bê tông mài lau sáp trong , tường và trần được làm xước bề mặt trước khi sơn chống thấm gốc xi măng màu xám , màu gỗ tự nhiên của đồ nội thất , ánh sáng màu vàng của đèn led, ngói sơn màu: được làm mẫu trước khi chính thức thực hiện nhằm cụ thể hóa chính xác những gì chúng tôi đã tưởng tượng về ngôi nhà mang biểu hiện cơ bản của kiến trúc truyền thống:
– Sự vừng chắc của các bức tường đặc , lớn , sần sùi
– Không khí lặng lẽ , tĩnh lặng , trầm mặc của công trình kiến trúc giữa sân vườn , cây xanh ,mặt nước ánh sáng và bóng tối , mùi hương dịu nhẹ trong không không khí, hình bóng của công trình , cây lá , bầu trời, ánh trăng soi bóng trên mặt hồ
– Những bước chân chậm rãi , nhẹ nhàng của con người trong Sự biến chuyển của ánh sáng trong không gian nội ngoại thất : vùng tối , vùng xám và vùng sáng, sự loang lỗ của ánh sáng trên mái ngói , tường , nền nhà.